Bệnh nhân nằm trong phòng chăm sóc đặc biệt tại bệnh viện Bảo Sơn (Côn Minh), thủ phủ tỉnh Vân Nam ở tây nam Trung Quốc, trong tình trạng nguy kịch suốt gần hai tuần do mắc dịch viêm phổi Covid-19. Tuy nhiên, theo báo cáo công bố hôm 27/2 trên trang Chinaxiv.org của nhóm nghiên cứu đứng đầu là tiến sĩ Hu Min ở Đại học Côn Minh, chỉ 4 ngày sau khi tiêm liều tế bào gốc đầu tiên lấy từ nhau thai, người phụ nữ có thể đứng dậy và đi lại.
"Dù mới chỉ có một ca bệnh được áp dụng, kết quả có ý nghĩa rất quan trọng và truyền cảm hứng cho các thử nghiệm lâm sàng tương tự trong điều trị viêm phổi bệnh nhân Covid-19 nguy kịch", các tác giả nghiên cứu cho biết. "Liệu pháp tế bào gốc có thể là lựa chọn lý tưởng để sử dụng kết hợp với các tác nhân thúc đẩy miễn dịch khác".
Ca bệnh ở Vân Nam là một trong 14 thử nghiệm sử dụng tế bào gốc để điều trị cho bệnh nhân nhiễm nCoV ở Trung Quốc, theo dữ liệu thử nghiệm lâm sàng của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Dù liệu pháp còn gây tranh cãi, giới chức y tế và chuyên gia y khoa vẫn hy vọng tế bào gốc có thể cứu mạng những bệnh nhân nguy kịch.
Nữ bệnh nhân trong nghiên cứu tới thành phố Côn Minh hôm 21/1 trên chuyến bay từ Vũ Hán, thủ phủ tỉnh Hồ Bắc và tâm dịch Covid-19. Một tuần sau, người phụ nữ bị sốt nhẹ, mệt mỏi và ho. Bà được đưa tới khám ở một bệnh viện công và có kết quả dương tính với nCoV. Sau đó, bệnh nhân được chuyển tiếp tới bệnh viện Bảo Sơn.
Theo quy định nghiêm ngặt của chính phủ về điều trị cho bệnh nhân Covid-19, đầu tiên các bác sĩ phải sử dụng kết hợp thuốc kháng virus và kháng sinh, đồng thời cho bệnh nhân, người mắc cả tiểu đường tuýp 2, thở oxy. Ban đầu, tình trạng của người phụ nữ cải thiện nhưng nhanh chóng chuyển biến xấu sau đó và phải chuyển vào phòng chăm sóc đặc biệt hôm 1/2.
Tại đó, sức khỏe của nữ bệnh nhân tiếp tục kém đi và có dấu hiệu suy tạng, buộc các bác sĩ phải hành động nhanh. Sau khi tham khảo ý kiến từ hội đồng chuyên gia của bệnh viện và gia đình bệnh nhân, nhóm bác sĩ điều trị bắt đầu sử dụng liệu pháp tế bào gốc vào ngày 9/2.
Tế bào gốc có độ thích nghi cao, có khả năng phát triển thành các loại tế bào đầy đủ chức năng để tạo ra mô, cơ quan nội tạng hoặc dịch cơ thể. Tế bào gốc dùng trong nghiên cứu ở Côn Minh đến từ phòng thí nghiệm nuôi nhau thai từ trẻ sơ sinh.
Các bác sĩ cân nhắc sử dụng liệu pháp tế bào gốc bởi Covid-19 gây ra tổn thương nghiêm trọng ở phổi, gan và cơ quan nội tạng khác trong những nghiên cứu trước đó. Thử nghiệm tiến hành trên động vật cho thấy tế bào gốc có khả năng khắc phục hồi thương tổn.
Theo nghiên cứu, bệnh nhân được tiêm liều tế bào gốc đầu tiên hôm 9/2. Xác định liều đầu tiên không đem tới tác dụng phụ, bác sĩ tiêm cho người phụ nữ liều thứ hai ba ngày sau. Hôm 13/2, bệnh nhân có thể ra khỏi giường và đi dạo quãng ngắn mà không cần nhiều sự trợ giúp.
Bà được tiêm liều cuối cùng hôm 15/2. Sau hai ngày, bệnh nhân được ra khỏi phòng chăm sóc đặc biệt và trở lại phòng bệnh thường. Các cơ quan nội tạng của bệnh nhân trở lại hoạt động bình thường và mẫu bệnh phẩm từ bông ngoáy họng cho kết quả âm tính với nCoV.
Theo tiến sĩ Li Honghui, người tham gia tiến hành thử nghiệm tương tự ở bệnh viện trung ương Lâu Để tại tỉnh Hồ Nam, tiêm tế bào gốc có thể mang lại kết quả đặc biệt trong vòng ba ngày.
Trong họp báo hôm 15/2, Zhang Xinmin, giám đốc công nghệ sinh học ở Bộ Khoa học và Công nghệ tại Bắc Kinh, kết quả sơ bộ của các thử nghiệm tế bào gốc trên cả nước cho thấy liệu pháp này rất "an toàn và hiệu quả". Các bệnh biện ở Hoàng Cương, một trong những thành phố bị ảnh hưởng nặng nhất bởi Covid-19 tại Hồ Bắc, tiếp nhận lô tế bào gốc đầu tiên vào tuần trước và dự kiến tiêm cho ba bệnh nhân nguy kịch.
Một nghiên cứu khác công bố hôm 28/2 trên trang Chinaxiv cho biết 7 bệnh nhân nhiễm nCoV ở Bắc Kinh cũng được tiêm tế bào gốc và có dấu hiệu phục hồi tương tự người phụ nữ tại Côn Minh.
Liệu pháp tế bào gốc ra đời vào thập niên 1980 nhưng vẫn gây tranh cãi trong cộng đồng nghiên cứu. Ban đầu, các nhà khoa học cân nhắc sử dụng phôi thai người như nguồn cung cấp tế bào gốc, nhưng ý tưởng này bị chỉ trích về mặt đạo đức.
Cộng đồng nghiên cứu đề xuất nhiều phương pháp thay thế để thu thập tế bào gốc như biến đổi tế bào thường thành tế bào gốc, nhưng nỗ lực đó bị ảnh hưởng bởi hàng loạt scandal tại Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc liên quan tới việc làm giả dữ liệu thí nghiệm. Tại Trung Quốc, các nhà khoa học đang tăng cường nghiên cứu tế bào gốc. Tuy chính phủ cấm sử dụng tế bào từ phôi thai khỏe mạnh, giới nghiên cứu được phép dùng trứng đã thụ tinh bị loại bỏ do mắc bệnh hoặc dị tật.
An Khang (Theo SCMP)