10-02-2023 19:16
Việc lựa chọn âm trạch , đầu tiên phải xem thế đến của sơn mạch trên phạm vi vĩ mô . Trong địa lý phong thuỷ gọi núi đến từ xa là thế , núi ở nơi gần là hình , trước tiên bàn về thế sau mới bàn về hình , hình là do thế quyết định.
1. Long đến
Trong ” Táng thư . Nội thiên ” có ghi : “Thượng địa chi sơn , nhấp nhô liền giải , là đến từ trời . Như sóng nước , như ngựa phi , thế đến như bay , như long như loan khi cao lên lúc trũng xuống , như đại bàng bổ xuống , như con thú quỳ , vạn vật đều tuân theo ” .
Ở đây viết ” Thượng địa chi sơn ” là núi nơi mai táng , đặc điểm của nó là : núi non nhấp nhô trùng điệp , như từ trên trời kéo xuống , như vạn mã phóng bay , hình thành thế lai long , khí thế hùng vĩ “. Thầy địa lý phong thuỷ lại cho rằng : thế lai long lại uốn lượn uyển chuyển , là rất tốt cho sự hình thành sinh khí to lớn , cho nên trong ” Táng thiên . Nội thiên ” lại ghi : ” Địa thế nguyên mạch , sơn thế nguyên cốt , uốn lượn Đông Tây hoặc là Bắc Nam , ngàn thước là thế , trăm thước là hình . Thế đến hình dừng , là nơi toàn khí . Đất toàn khí an táng phù hợp ” . Chính vì thế long đến khí thế to lớn có ” Toàn khí ” cho nên có đặc điểm ” Đất cao nước sâu , cây cỏ tươi tốt ” . Các thầy địa lý phong thuỷ thường căn cứ vào thế lai long lớn nhỏ để xác định đẳng cấp phú quý , vì vậy trong ” Táng thư . Tạp thiên ” có ghi : ” Thế như vạn mã từ trên trời dẫn xuống , táng vương giả . Thế như sóng lớn núi non trùng điệp , táng thiên thừa . Thế như giáng long nước vòng mây lượn , táng tước lộc tam công . Thế như nhà cửa san sát , cây cỏ xanh tươi , táng khai phủ kiến quốc …” . Không nói đến mối quan hệ giữa thế lai long lớn nhỏ và đẳng cấp phú quý , trong đó có nói đến núi non trùng điệp , nước vòng mây lượn , cây cỏ xanh tươi v.v …, rất rõ ràng đã thể hiện sự tìm kiếm của con người với môi trường tự nhiên đẹp đẽ . Con người hy vọng rằng sau khi chết đi sẽ trở về trong lòng của đại tự nhiên , tìm kiếm môi trường táng địa lý tưởng là biểu hiện một loại quan niệm về môi trường của người cổ đại . Thế của rồng đến thường có quan hệ với phát mạch xa xôi . Phát mạch của rồng đều ở nơi những dãy núi hội tụ , cho nên mới gọi là ” Lai long thiên lý ” , ý nói là huyệt vị phong thuỷ thường có quan hệ với đầu nguồn của long mạch , chỉ có sơn mạch to lớn mới có thể hình thành chi long dài rộng . Như vậy rồng mới có khí thế , huyệt cũng mới có sinh khí . Trong phong thuỷ âm trạch lấy quan hệ ” Tổ tông ” để biểu thị giữa can long ( rồng chính ) và chi long ( rồng nhánh ) . ” Địa lý giản minh ” có ghi : ” Nơi phát mạch của đại long phải là nơi gặp gỡ của núi cao đỉnh lớn , gọi là thái tổ ; từ đó mà xuống , lại có đỉnh cao , gọi là thái tông ; thế núi quanh co uốn khúc , lại có đỉnh cao , gọi là thiếu tổ . Từ đây núi thiếu tổ đi xuống , có cao có thấp , nhưng lấy tiết tinh thứ nhất đặt đằng sau đỉnh huyền vũ gọi là phụ mẫu ” .
Vì vậy , khi xem thế núi phải xem kỹ hình thế của thái tổ , thái tông , thiếu tổ , thiếu tông , phụ mẫu , sau đó mới trên cơ sở núi phụ mẫu và dựa theo lý luận thai tức dựng dục của người để tìm nơi tồn tại của sinh khí , tức là tìm huyệt .
2. Lớp lớp che chắn , từ xa đến gần
Hình thế to lớn của long có quan hệ với phát mạch từ xa , nhưng phát mạch từ xa không phải từ đầu đến cuối là một đường thẳng , mà phải có lớp lớp che chắn , có tầng tầng lớp lớp hộ vệ chủ mạch. Đúng như trong ” Táng thư ” đã ghi : ” Thế như vạn mã từ trên trời rơi xuống , hình dáng như có từng lớp lang ” , hình pháp gia cho rằng núi mà không có che chắn thì chủ long sẽ cô đơn , che chắn càng nhiều càng cát tường , vì vậy ” Địa học giản minh . Long khai chương ” đã nói một cách tổng quát : ” Long như mở đường mà đi , là có lực nhất , kim thuỷ mão là trên , thuỷ tinh là thứ , phải có hình dáng như tấm che chắn , được như vậy mới tốt ” .
3 . Tứ cục phân minh , bát long hữu dị
Nhà địa lý phong thuỷ cho rằng , hình thế của lai long nhìn từ phía bên ngoài có thể chia làm năm loại : tức ” ngũ thế – chính thế , trắc thế , nghịch thế , thuận thế , hồi thế ” , cụ thể biêủ hiện là : ” Long Bắc phát triều Nam đến là chính thế . Long Tây phát Bắc làm huyệt , Nam làm triều , là trắc thế . Long nghịch thuỷ thượng triều , thuận thuỷ hạ thử là nghịch thế . Thân long quay về núi tổ làm triều , là hồi thế ” . Hiển nhiên , đây là cách chia của phái hình pháp , lấy hình thế tự nhiên của thân núi để đánh giá lợi hại của môi trường âm trạch , trộn lẫn giữa quan niệm duy vật và duy tâm . Phái lý khí khi bàn về hình thế , chủ yếu dựa vào Ngũ tinh Bát quái và phương vị . Nhà phong thuỷ căn cứ ngũ tinh ở trên trời đối ứng với ngũ hành của núi sông , cho rằng hình núi trên đất , dốc thuộc Mộc , nhọn thuộc Hoả , vuông thuộc Thổ , tròn thuộc Kim , dài thuộc Thuỷ . Lại dùng lý luận tương sinh tương hợp của ngũ tinh để suy đoán tài quan ấn lộc , dùng 24 sơn hướng để chỉ rõ hướng táng khác nhau . Hướng Đông thuộc Mộc long , hướng Nam thuộc Hoả long , hướng Tây thuộc Kim long , hướng Bắc thuộc Thuỷ long . Gọi là tứ cục . Lại theo phép tăng giảm của Âm Dương , bốn loại long cục đều có phân Âm Duơng , bắt đầu là Âm long , thịnh là Dương long …
4 . Huyệt trường phân minh , huyệt hình đa dạng
Môi trường âm trạch về mặt vĩ mô phải là nơi khí thế to lớn , về mặt vi mô phải có huyệt trường rõ ràng . Phạm vi của huyệt trong địa lý âm trạch rất nhỏ thường gọi là ” Huyệt tám thước ” , là một miếng đất tấc vuông ” Thừa sinh khí , trú tử cốc ” , vả lại vị trí rất khó tìm chuẩn , vì vậy trong ca dao cổ có câu : ” Nhìn thế tìm long dễ , muốn biết huyệt điểm khó ” . Các sách như ” Táng thư ” và ” Địa học giản minh ” đều cho rằng : nơi kết huyệt có liên quan với khí . Trong ” Địa học giản minh ” đã dùng lý luận thai tức dựng dục để bàn về tình hình kết huyệt của long mạch , trong sách ghi : ” Một tiết tinh phía sau đỉnh huyền vũ gọi là phụ mẫu , dưới phụ mẫu nơi mạch rớt xuống là thai , giống như nhận huyết mạch của cha mẹ làm thai vậy .Luồng khí phía dưới đó là tức vậy , lại bắt đầu từ đỉnh huyền vũ tinh diện là dựng , giống như hình thể có đầu mặt của thai nam nữ vậy , nơi dung kết huyệt là dục , giống như đứa con sinh thành từ thai mà dục vậy ” . Có thể thấy rằng nơi kết huyệt tương đương với nơi người mẹ sinh con , cũng là khu vực Âm Dương giao cấu mà rất nhiều sách nói tới . Nghĩa là đã xem huyệt phong thuỷ là nữ âm , là nơi ” Lấy được khí ra , thu được khí đến ” , là nơi nhận được sự thai nghén , là nơi ” ém khí ” , ” dưỡng tức ” . Đồng thời cũng là nơi ” sinh dục ” , ” xuất thai ” . Chính vì phong thuỷ cổ đại dùng nguyên lý thai tức dựng dục sinh sản của loài người để giải thích về ý nghĩa của huyệt phong thuỷ , đã làm cho huyệt phong thuỷ lấy tượng trưng là nữ âm , huyệt phong thuỷ được xem như là đất toàn khí , vì vậy con người khi lựa chọn đất ở , đất để chôn cất đều chọn đất có những điều kiện như vậy làm đất tốt nhất , điều này đã hình thành một khuynh hướng tình cảm lâu dài , đem lại một nội dung văn hoá đặc biệt . Huyệt phong thuỷ đặc biệt nhấn mạnh : ” Có được sự tốt đẹp của thai tức dựng dục của tổ tông cha mẹ , lại có toàn khí dung kết … ” . Huyệt hình của huyệt phong thuỷ thường có sự khác nhau do địa hình cục bộ , vì vậy chia ra làm oa huyệt , kiềm huyệt , nhũ huyệt , đột huyệt . Oa huyệt , theo như trong ” Táng thư ” là hình giống như tổ chim yến , chôn ở nơi lõm xuống , thường gặp ở nơi núi cao . Kiềm huyệt , hình dáng giống như hai chân bắt chéo lên nhau như gọng kìm , còn gọi là khai cước huyệt , ở núi cao bình địa . Nhũ huyệt , huyệt tinh mở ra , ở giữa có nhũ , còn gọi là huyền vũ huyệt , hoặc cũng gọi là nhũ đầu huyệt , ở bình địa núi cao . Đột huyệt , tinh huyệt bằng , ở giữa nổi lên , còn gọi là bào huyệt . Theo ” Táng thư ” có hình nồi úp , đỉnh có nhiều kiểu , thường gặp ở bình địa .
5. Núi bao nước vòng , bốn mặt vây bọc
Môi trường âm trạch tốt hay xấu , ngoài long thế long cách , che chắn , huyệt trường như trên đã nói , còn phải xem núi sông bao bọc xung quanh có hữu tình không ,tức là có cấu thành một tiểu môi trường hoà hợp nhất trí không .
Thông thường cho rằng : ” Nơi có chính huyệt , núi phải trẻ , hướng trước mặt phải mở rộng , hình thế bốn bên phải chụm , gió phải kín , nước phải tụ … Sơn minh thuỷ tú phải mưa thuận gió hoà , đất trời sáng sủa , như một thế giới khác , thanh tịnh trong ồn ào , phồn hoa trong thanh tịnh , trông thấy là muốn nhìn , đến gần thấy lòng vui tươi , khí phải tích , tinh phải tụ ” . Đây là một đoạn văn nói về phương diện Phong thuỷ , mà cũng như là một đoạn văn miêu tả về mặt phong cảnh . Trong đó những yêu cầu phải tìm kiếm như ” Sơn minh thuỷ tú ” , ” Mưa thuận gió hoà ” , ” Thanh tịnh trong ồn ào ” , ” Đến gần thấy lòng vui tươi ” , đây cũng là ý tưởng tìm kiếm về cảnh đẹp thiên nhiên . ” Núi bao nước vòng ” trong phong thuỷ , chủ yếu là thể hiện bằng quan hệ giữa sơn và thuỷ . Về quan hệ giữa sơn và thuỷ , các nhà triết học tiền bối đã bàn đến từ lâu . Trong ” Chu lễ . Khảo công ký ” đã chỉ ra : “Địa thế của thiên hạ , giữa hai núi nhất định phải có sông . Bên sông lớn nhất định phải có đường đi “ , cũng có nghĩa núi và sông đồng hành với nhau . Trong ” Quản thị địa lý chỉ mộng ” cũng có ghi : ” Nước đi theo núi , núi ngăn nước . Núi sông phân chia các khu vực , ngăn không cho vượt quá , tích tụ khí . Nước không có núi thì khí tan mà không thể tập trung , núi không nước thì khí hàn . Núi như nhà , nước như tường , ở nhà cao không có tường , không thể phòng vệ được . Núi là thực khí . Đất càng cao khí càng dày . Nước càng sâu khí càng lớn “. Có thể thấy rằng sơn và thuỷ dựa vào nhau để tồn tại , sơn là nội khí , thuỷ là ngoại khí , nội ngoại kết hợp mới có thể tạo thành một chỉnh thể hữu cơ mới có thể làm cho môi trường có sinh khí , mới có thể đạt được ” Sơn minh thuỷ tú ” , ” Mưa thuận gió hoà ” . Về môi trường sơn thuỷ xung quanh huyệt trường thông thường được hợp thành được các địa hình như Sa , Thuỷ , Triều , Án . Trong đó Sa , Triều , Án đều là núi ở xung quanh huyệt . ” Địa học ” của Trầm Cảo đã nói về quan hệ giữa chúng như sau : “ Thuỷ nếu vòng vèo uốn khúc thì sa cũng xoay chuyển , sa và thuỷ nguyên là một nhà . Ôm sát hai bên huyệt như cánh ve sầu là long hổ . Thanh long là tên gọi cánh bên trái , bất kể thanh long hay bạch hổ , chỉ cần nước giữ được khí . Giữa long hổ là minh đường , minh đường giống như ngực con người . Phía trước long hổ có án , án phải thấp bằng để có nhìn được xa ,nước chảy ngang bên trong gọi là trung đường , ngoài án phải có triều sơn , giống như chủ nghiêng mình đón khách “ . Có thể tóm tắt những ý chính của nội dung trên là : Sa thuỷ đồng hành với nhau . Thanh long , bạch hổ là hai sa sơn bên trái bên phải . Ở gần phía trước huyệt là núi thấp gọi là án , ở xa phía trước huyệt là núi lớn gọi là triều ( có nghĩa là triều bái ) . Nơi nước uốn lượn chảy ra gọi là thuỷ khẩu , hai bên thuỷ khẩu phải có núi cao dựng đứng khép lại gọi là thuỷ khẩu sa . ” Núi của thuỷ khẩu phải cao và lớn , vòng mà khép lại , hình thế như vậy mới tốt ” . Nước chảy ra phải chậm rãi uốn lượn , không được chảy nhanh , nếu không sẽ tổn sinh khí . Vì vậy tại thuỷ khẩu càng nhiều lớp núi càng tốt , ” Hám long kinh ” có ghi : ” Cửa khẩu có ngàn trùng khoá chặt nhất định có vương hầu ở trong đó “ . thật ra yêu cầu ở đây vẫn là một loại môi trường tương đối độc lập , yêu cầu môi trường phải tĩnh mịch bình yên, tương đối độc lập với ngoại cảnh , nước chảy vòng vèo , lớp lớp khoá chặt , có cảm giác như lớp lớp che chắn . Sự phân hợp của sơn thuỷ tạo thành môi trường lớn với núi bao nước vòng , kết hợp với sa , triều , án tạo thành môi trường nhỏ trấn giữ bốn mặt.