Lượt xem: 86

12-10-2021 10:14

Cao Biền là một tiết độ sứ ngoại bang nhưng với lịch sử nước ta với nhiều giai thoại trong dân gian về địa lý phong thuỷ và thuật phù thuỷ. Cuối đời ông ta cũng phải trả quả báo tồi tệ. Ấu cũng là cái gương cho người đi sau khi làm nhiều điều nghịch đạo.

Cao Biền sinh năm 821 quê ở U Châu nay là Bắc Kinh.

Bố tên là Cao Thừa Minh làm chức Ngu Hậu trong Thần Sách Quân là nơi nghiên cứu tinh hoa các nền văn hoá trong đó có các pháp thuật đạo giáo và địa lý phong thuỷ, do vậy Biền có cơ hội gặp gỡ và học tập nhiều người giỏi trong hoàng cung thời nhà Đường. Lớn lên có tài lại giỏi văn thơ nên được Đường Ý Tông phong cho chức Hữu Quân Ngu Hậu.

Bấy giờ có người Đảng Hạng rất ngông cuồng chống lại triều đình, Đường Ý Tông giao cho Cao Biền 1 vạn quân sai đi dẹp loạn, Cao Biền ngày ngày viết thư khen Đảng Hạng khiến cho hắn tự cao, khoe khoang và lộ kế hoạch quân sự. Cao Biền thần tốc chỉ một trận thì đã đánh tan Đảng Hạng. Đường Ý Tông lấy làm hài lòng mới phong cho Cao Biền làm thứ sử Tần Châu.

Năm Hàm Thông thứ 5 (863) quốc gia Nam Chiếu lấy Quốc Hiệu là Đại Lễ tiến đánh An Nam, Đường Ý Tông giao cho Biền 2,5 vạn quân lại phong cho chức Đô Hộ An Nam tiến đánh Đại Lễ.

Lúc bấy giờ có một danh tướng triều Đường là Lý Duy Chu trong lòng luôn ganh tỵ với Cao Biền nên chỉ mong Biền xuất binh, hắn muốn mượn tay Đại Lễ để giết chết Cao Biền! Chu hứa rằng sẽ đem quân viện trợ, Biền thấy vậy liền đưa quân tấn công Đại Lễ.

Nghe danh tiếng của Cao Biền thì Hoàng đế Đại Lễ tên là Thế Long liền sai Dương Tập Tư xuất quân sang cứu Đoàn Tù Thiên chống Biền.

Biết được tin này, danh tướng Vi Trọng Tế là bạn của Cao Biền đã đem 7 ngàn quân đến Phong Châu để hỗ trợ cho Cao Biền, vì thế Cao Biền và Vi Trọng Tế đã hợp binh đánh thắng Đại Lễ.

Sau khi thắng trận, Cao Biền dâng sớ về triều nhưng Lý Duy Chu đã không trình lên cho vua, Đường Ý Tông chờ lâu không có tin gì liền hỏi Lý Duy Chu thì Chu nói rằng Cao Biền không viết sớ dâng!

Đường Ý Tông bực mình liền cho triệu Cao Biền về kinh và lệnh cho Vương Yến Quyền thay chức Cao Biền. Cao Biền nhận thánh chỉ thì cảm thấy bất an bèn trao quyền điều hành cho một thuộc tướng là Vi Trọng Tế, còn Biền thì đến Hải Môn để thực thi chiếu lệnh bàn giao chức vụ cho Vương Yến Quyền, một mặt Biền chọn hai thuộc tướng giỏi cưỡi ngựa và bắn cung là Tăng Cổn và Vương Huệ Tán đem sớ cấp báo về cho Đường Ý Tông.

Đường Ý Tông nhận được mật báo thì vui mừng khôn xiết bèn phong cho Cao Biền làm Thượng Thư lại ra lệnh cho Biền làm trấn thủ An Nam.

Tháng 4-866 Cao Biền hạ được thành giết chết Đoàn Tù Thiên. Đường Ý Tông mát mặt trước quần thần lại phong cho Cao Biền làm Tiết Độ Thần Thông đổi An Nam lấy tên mới là Tĩnh Hải Quân.

Cao Biền cấp tốc cho xây dựng Thành Đại La mở rộng ra hai hướng Đông và Tây với chiều dài hơn 3 ngàn bộ và hơn 4 vạn căn nhà, lại cho xây nhiều lô cốt quanh thành, đồng thời cho tu chỉnh lại sông Tô Lịch.

Cao Biển cho trấn yểm xung quanh thành lại cưỡi Diều đi tìm long mạch mới phát hiện ra phía Tây thành Đại La có một long mạch lớn từ Núi Ba Vì đi về mà điểm giữa sông Tô Lịch lại trũng như một chiếc rốn rồng. Biền cho lập một đàn lễ lớn trong thành, ngay sau khi làm lễ thì nhiều đoạn tường quanh thành Đại La bị sụt lở.

Đêm hôm đó Cao Biền đi ra cửa Đông nhìn lên trời than rằng: Thiên hạ mấy ai có pháp thuật cao hơn ta mà tại sao mãi ta vẫn không thể xây được thành?

Ngay lúc đó trên bầu trời xuất hiện một con Bạch Long đầu Ngựa lại có một vị tuổi trẻ tráng kiệt ngồi trên lưng thổi sáo. Cao Biền nghĩ đó là Thần Tướng nước Nam thì vội quay về lập đàn làm phép để bắt vị Thần Tướng đó, nhưng bắt mãi mà không thể nào bắt được! Đến đêm khi Biền ngủ thì vị Thần Tướng kia hiện ra trong mơ và nói với Cao Biền rằng:

Ta là Quốc Chủ Đại Vương Cảm Thần Bạch Mã Linh Lang con của vua Hùng Vương, đất này là đất của ta, tại sao ngươi lại dám làm phép bắt ta?! Muốn xây được thành thì lập đền thờ ta, ta sẽ cho xây.

Hôm sau Cao Biền cho lập đền thờ Bạch Mã (nay thuộc 76 Hàng Buồm quận Hoàn Kiếm Hà Nội). Lại cho làm bài vị để thờ thần Bạch Mã (trong sử tích Việt Nam thường nói là thần Long Đỗ).

Sau khi lập đền thờ xong thì Cao Biền xây đến đâu cũng không đổ nữa. Cho dù đã xây xong thành nhưng Cao Biền luôn lo sợ rằng long mạch địa lý ở phía Tây thành rất mạnh sẽ làm cho khí đất Đại La Hưng vượng có thể sinh ra nhân tài, vì vậy Biền đã quyết định lập đàn làm phép trấn yểm để phá rốn long mạch đó!

Sau khi trấn xong, Biền đến bờ phía Tây sông Tô Lịch gặp bà lão bán nước nói chuyện và cho bà lão nhiều vàng bạc lại đưa cho bà lão 100 hạt đậu ván ma và 100 nén nhang rồi dặn bà lão mỗi ngày gieo một hạt đậu thắp một nén nhang ở vị trí bờ Tây sông Tô Lịch.

Bà lão làm y theo yêu cầu của Cao Biền, đến đêm thứ ba thì bà lão mơ thấy có một người râu dài tóc bạc mặc áo trắng tay cầm cây phất trần đó chính là Thái Bạch Kim Tinh là thầy của Thiên Quan Phụng Chỉ Bạch Hạc Tản Viên Sơn Thánh Đô Đại Thành Hoàng ngự trên núi Ba Vì.

Thái Bạch Kim Tinh nói với bà lão rằng: bà đã mắc mưu của Cao Biền và đang giúp nuôi âm binh cho hắn, lại dặn bà lão đào một cái hố đổ nốt 97 hạt đậu xuống lấp đất và đốt tất cả 97 nén nhang cắm lên trên, làm xong việc thì thu dọn đồ đạc và trốn đi càng xa càng tốt để tránh bị Cao Biền tìm giết.

Hôm sau bà lão làm theo lời Thái Bạch Kim Tinh và bỏ trốn đi nơi khác không ai biết là đi đâu.

Đến ngày thứ 7 Cao Biền nóng ruột bèn đến kiểm tra thì phát hiện các hạt đậu chen nhau mọc lên trong một cái hố cong queo ngoặt nghoẹo yếu ớt! Biển nổi giận cho quân lính đi tìm bà lão để giết nhưng không tìm được.

Biền liền vào trong thành lập đàn lễ tra tam giới mới biết được ngọn ngành câu chuyện. Hắn quyết định làm bùa rồi cùng đoàn tuỳ tùng cưỡi ngựa lên đỉnh núi Ba Vì để dán lá bùa trên đỉnh núi.

Bùa vừa dán xong thì có một tia sét đánh xuống làm cháy lá bùa! Cao Biền hoảng hốt thu quân về thành, vừa về đến thành Đại La thì Biền bị ốm nặng, Biền sai người làm những chiếc hồ lô bằng đất nung rồi mang giết những chàng trai lấy xương cốt cho vào hồ lô làm âm binh trấn yểm quanh thành, lại huy động nhiều pháp sư kết hợp với Biền làm pháp giải mệnh.

Nhiều thuộc tướng dưới quyền Cao Biền đã tình nguyện xung phong chết để làm tướng âm binh bảo vệ pháp trấn của Cao Biền, trong các tướng đó có Chu Dĩnh, Tẩu Pao, Ất Nhĩ, Nhũ Vương và nhiều người khác đã xung phong được chôn sống theo hình thức thổ nhục táng. Biền đã chôn nhóm này trên bờ đông của sông Tô Lịch phía đông Bắc của vị trí trấn yểm rốn long. Biền còn cho xây hai cái miếu thờ trên bờ Tây nói là miếu thờ thần sông để dụ người đến cúng với mục đích là nuôi âm binh bảo vệ trấn yểm mà hắn đã làm! Mãi về sau Biền cũng khỏi bệnh.

Cao biền cũng sử dụng địa lý âm trạch vẽ địa đồ mô tả các thế đất các vùng miền nước ta, sau này đến thời kháng chiến nhà Minh quân Lê Lợi bắt được tướng giặc thu giữ tài liệu mới biết đó là tác phẩm của Cao Biền.

Năm 868 Cao Biền được lệnh rút về Trường An do Đường Ý Tông không được khỏe, Ý Tông phong cho Biền làm Đại Tướng Quân lại giao cho Biền rất nhiều trọng trách trong triều, bất kỳ có việc gì thì Ý Tông cũng hỏi ý kiến của Cao Biền, Cao Biền dần dần lộng hành và ăn chơi trác táng.

Ngày 15-8-873 Ý Tông qua đời và Đường Hy Tông lên thay ngôi. Lúc bấy giờ nổi lên Hoàng Sào vốn là một người buôn muối giàu có đã chống lại triều đình, Đường Hy Tông phong cho Cao Biền làm chức Đô Thống dẫn quân đi đánh Hoàng Sào, nhưng trong lòng Cao Biền cũng nể trọng Hoàng Sào vì quân của Hoàng Sào chuyên cướp của nhà giàu, quan lại chia cho dân nghèo thế nên Cao Biền cứ chần chừ mãi mà không tiến quân.

Mùa hè năm 882 Đường Hy Tông soạn chiếu sắc phong lại quan chức trong triều, chỉ phong cho Cao Biền chức Thị Trung là một chức quan nhỏ. Cao Biền nổi giận xé bỏ chiếu lại soạn sớ chửi mắng Đường Hy Tông. Cao Biền từ đây cắt đứt mọi quan hệ, không chịu nộp thuế cho triều đình lại còn chiêu binh thị uy.

Cao Biền kết thân với Lã Dụng Chi là một võ tướng có tài nên Biền trao toàn bộ binh quyền cho Lã Dụng Chi. Sau khi Lã Dụng Chi nắm hết binh quyền thì chẳng coi Biền ra gì vì vậy hai người rạn nứt tình bạn.

Biền lại kết thân với Sư Đạc, Trương Thần Kiếm và Trịnh Hán Chương để chống lại Lã Dụng Chi, Lã Dụng Chi thua trận bèn bỏ thành Dương Châu mà đi. Cao Biền phong cho Sư Đạc làm phó tướng, lúc này Sư Đạc có một người bạn tên là Tần Ngạn đã cùng Sư Đạc tìm mọi cách quản thúc và khống chế Cao Biền khiến cho Biền rất buồn.

Lã Dụng Chi sau khi thua trận thì tức lắm nên đã chiêu thêm binh sỹ quay lại tấn công thành Dương Châu. Hai bên đánh nhau nhiều trận mà không bên nào thắng, Sư Đạc và Tần Ngạn nghi ngờ Cao Biền đã dùng pháp thuật hỗ trợ cho Lã Dụng Chi vì thế mới cho gọi thuộc tướng là Lưu Khuông Thì một võ tướng giỏi binh đao đến bàn mưu giết chết Cao Biền.

Nửa đêm cuối canh 2 ngày 24-9-887 Lưu Khuông Thì cùng các cao thủ kiếm pháp đã đột nhập vào và giết chết Cao Biền cùng tất cả các thuộc hạ sau đó đào một hố vứt tất cả xác xuống đó chôn chung và xoá mọi dấu tích.

Mọi sách vở, sớ văn liên quan đến Cao Biền cũng bị đốt đi nhiều khiến cho đời sau không biết nhiều về Cao Biền.

Hiện nay ở Trung Quốc người ta không biết Cao Biền là ai và cũng không có ai quan tâm đến Cao Biền, nhiều Pháp Sư của Đạo Giáo khi được hỏi đến Cao Biền thì họ cũng lắc đầu không biết.

Nhưng Cao Biền ở nước ta thì rất nhiều người biết vì liên quan đến các trấn yểm của Biền tại Việt Nam và vì gốc tích thủ đô là thành Đại La do Cao Biền dựng lên.

Lời bàn: Cao Biền được học hành bài bản, có tài năng, giỏi văn lẫn võ và thông thạo nhiều môn học cổ như phong thuỷ địa lý , pháp thuật đạo giáo. Có thể nói thông được quỷ thần, tường được địa lý. Là người Tài hiếm có. Nhưng vì họ Cao tham công danh quyền quý, không có được cái Đạo, dùng pháp thuật bừa bãi và thất đức do đó phải trả cái nghiệp báo cuối đời chết thê thảm. Đó cũng là lời cảnh tỉnh cho nhiều pháp sư hiện nay tu luyện nhiều pháp thuật xưa có mồng mống ác đạo, hại sinh linh. Tất sau phải trả nghiệp y như vậy.

 

Cham soc khach hang

Đang truy cập: 21
Trong ngày: 863
Trong tuần: 6121
Lượt truy cập: 126237
qc duoi cung

khang_xuan_duong

Đông Y KHANG XUÂN ĐƯỜNG
Địa chỉ: 32 Đại Từ, Đại Kim, Hoàng Mai, Hà Nội.
Email:  khangxuanduong123@gmail.com
Điện thoại tư vấn:  088.688.9194, 097.401.5494
(*) Lưu ý: Tác dụng của phương pháp (thuốc) tùy thuộc vào cơ địa của mỗi người. Nội dung trên website này chỉ có tác dụng tham khảo, không phải tư vấn cho từng cá nhân cụ thể, bệnh nhân không nên tự ý sử dụng các thông tin này để điều trị khi chưa có ý kiến của thầy thuốc.