28-06-2017 17:09
Theo Đông y quả ké đầu ngựa có tính ôn, vị ngọt, vào kinh phế, có độc. Tính năng khu phong, trừ thấp, lợi tiểu, tiêu viêm, giảm đau, chủ trị có thể xếp vào 3 nhóm chính: Bệnh ngứa mề đay, mụn nhọt, viêm xoang mũi.
Cây ké đầu ngựa mọc hoang ở nhiều nơi, tên Hán là Thương nhĩ tử, tên khoa học loài có ở Việt Nam duy nhất là Xanthium strumarium. Loại cho quả to bằng ngón chân cái gọi ké ông mới là thật tốt.
Theo Tây y, thành phần hóa học của loại quả này có nhiều iod và vitamin C (đặc biệt trong lá 47mg/100g lá). Quả non có nhiều vitamin C và các glucoza, B sintosterol và B DglucoziDl có tác dụng chống viêm.
Hạt ké có tỷ lệ dầu béo cao hơn 30-35%. Nghiên cứu thực nghiệm cho thấy gây giảm đường huyết của chuột bình thường, ức chế thần kinh trung ương, kháng khuẩn gam âm, kháng nấm. Cồn rễ giảm trọng lượng khối u và tăng thời gian sống. Trong lâm sàng ứng dụng thành phần iod để chữa các bệnh thiếu iod như bướu cổ đơn thuần.
Độc tính của ké đầu ngựa được đề cập đến trong cả Đông và Tây y. Trong các phần trên mặt đất của cây ké chứa hỗn hợp alcaloid được coi là độc tố. Hạt có một chất gây độc cho gia súc, trong đó có hydroquinon, cholin và một chất thứ ba độc hơn chưa xác định được. Búp non cây ké có sách viết là rất độc. Phấn hoa ké đầu ngựa gây dị ứng viêm mũi, viêm co thắt phế quản, hen. Cây chỉ gây dị ứng trước khi ra quả. Do có iod nên sẽ giảm tiết sữa của bà mẹ nuôi con.
Trong Đông y dùng cao ké đầu ngựa, không được ăn thịt lợn, thịt ngựa vì với người mẫn cảm có thể bị nổi quầng trên da. Nhưng bệnh viện Giang Tây, Trung Quốc chưa nhất trí vì bệnh nhân không kiêng vẫn thấy bình thường.
Một số bài thuốc từ cây ké đầu ngựa dân gian thường áp dụng:
Hỗ trợ tốt chữa bệnh xoang mũi
1. Viêm xoang mũi dị ứng: Ngạt mũi, chảy nước mũi, hắt hơi.
Thương nhĩ tử nấu lấy nước uống hoặc nấu cháo.
Mũi chảy nước trong đặc: Quả ké vàng tán bột. Ngày uống 4-8g.
2. Viêm xoang chảy mủ: Chảy nước mũi đặc như mủ, mùi tanh, mất khả năng ngửi, sốt, đau đầu.
Dùng thương nhĩ đủ lượng vừa phải. Mật lợn vừa đủ, hoắc hương cả cành lá 240g, tán bột mịn trộn với mật lợn làm hoàn. Ngày uống 15g, lấy nước sắc thương nhĩ tử làm thang (bài của Ngô Khiêm đời Thanh trong Y tông kim giám).
3. Viêm xoang mũi: Dùng bài thương nhĩ tử tán của Nghiêm Dụg Hòa đời Tống trong Tế sinh phương: Thương nhĩ tử 8g, tân di hoa 15g, bạc hà 3g, bạch chỉ 30g. Tán bột mịn 4 vị trên, uống sau bữa cơm mỗi lần 6g với nước trà và hành nấu chung. Nếu viêm xoang thời kỳ đầu thuộc biểu chứng thì tăng lượng bạc hà. Có thể thêm cúc hoa, liên kiều, cát căn, kim ngân hoa…
Bệnh ngoài da:
1. Mụn nhọt: Cao thương nhĩ : Toàn cây khô nấu cao mềm, hóa nước uống ngày 6-8g. Uống liên tục 1 tháng.
Hoàn thương nhĩ: Lấy toàn cây trừ rễ. Nấu cao đặc, tán bột, vo viên. Ngày uống 3 lần. Mỗi lần 15-20g.
2. Chốc lở ở trẻ nhỏ: Ké đầu ngựa 10g, kim ngân hoa 20g, chế thành trà thuốc đóng gói 30g. Ngày uống 1 gói, hãm với nước sôi 500ml. Uống nhiều lần, trẻ dưới 1 tuổi uống nửa gói.
Ké đầu ngựa 10g, bồ công anh 15g, sài đất 10g, kim ngân hoa 5g, cam thảo đất 2g. Chế thành trà thuốc đóng gói 40g. Ngày uống 1 gói hãm nước sôi, uống dần. Trẻ dưới 18 tháng ngày uống nửa gói.
3. Tổ đỉa: Quả ké 50g, thổ phục linh 50g, hạ khô thảo 50g, vỏ núc nác 30g, sinh địa 20g, hạt dành dành 15g. Tán bột làm viên. Ngày uống 20-25g.
4. Ngứa nổi mày đay: Thương nhĩ tử 10g, kinh giới 15g, bạc hà 15g. Tất cả rửa sạch nấu lấy nước (bỏ bã) nấu cháo.
Loại mày đay đỏ, nóng, ngứa nhiều. Hạt thương nhĩ tử 15g, sinh địa 30g, bạc hà 12g. Nấu lấy nước uống.
5. Các bệnh ngoài da do dị ứng, chàm (của BS. Nguyễn Xuân Sơn, khoa Da liễu Bệnh viện Việt – Tiệp) ké đầu ngựa 9kg, thổ phục linh 9kg, đường kính 19kg, cồn benzoic 10% 300ml. Nước vừa đủ 23 lít. Nếu không dùng đường thì nấu nước, cô cao, tán bột, làm viên. Đã điều trị 124 trường hợp kết quả khỏi đỡ nhiều đạt 92%.
6. Viêm da mủ và nhiễm trùng thứ phát (chốc, nhọt, loét sâu quảng, bối thư, do liên cầu tụ cầu): Dùng ké đầu ngựa, kim ngân hoa, bồ công anh, thổ phục linh, sài đất mỗi vị 30g (công thức điều trị của bệnh viện Việt Tiệp Hải Phòng-Khoa truyền nhiễm). Kết quả khỏi 73,8%, đỡ 18,8%. Không khỏi 7,4%.
7. Bệnh phong (cùi, hủi): Ké đầu ngựa giã vắt lấy nước cốt cô thành cao, làm thỏi 300g, lấy 1 con cá quả đen, mổ bụng, để ruột không bỏ, cho vào một thỏi ké. Nấu chín với rượu để ăn. Ăn 3-5 con. Kiêng muối 100 ngày.
Các loại ké đắng, cay, thầu dầu tía, củ khúc khắc mỗi thứ 12g, lá khổ sâm, lá hồng hoa, lá thanh cao, lá kinh giới, sà sàng, bạch chỉ mỗi vị 8g, nam sâm 4g. Sắc uống.
Bệnh ung thư
1. Ung thư mũi: Dùng bài sau có thành phần giống bài thương nhĩ tử tán trên nhưng khác liều lượng: Thương nhĩ tử 10g, tân di 15g, ngày 8-12g, chia 2-3 lần.
2. Ung thư não: Thương nhĩ tử 15g, thất diệp nhất chi hoa (cây 7 lá 1 hoa) 16g, viễn chi 10g, xương bồ 6g, sắc uống ngày một thang.
Các loại ung thư dùng chung bài quả hoặc lá thân thương nhĩ 20g sắc uống ngày 1 thang.
Thấp khớp
1. Rượu thương nhĩ (phổ tế phương): thương nhĩ tử 30g, phòng phong 30g, ngưu bàng tử (sao) 30g, đại sinh địa 30g, độc hoạt 30g, ý dĩ nhân 20g, nhân sâm 15g, nhục quế 12g. Tất cả giã nát cho vào túi vải ngâm vào rượu 2 lít, buộc kín miệng bình. Sau 1 tuần uống được, mỗi lần 1 ly. Ngày uống 2-3 lần.
2. Phong thấp chân tay co rút: Lấy thương nhĩ tử nấu nước uống. Lá đâm nhỏ dầm rượu đắp ngoài.
Các bệnh khác
1. Bướu cổ đơn thuần (do thiếu iod): quả ké hoặc lá sắc nước uống hoặc hãm nước sôi như trà để uống.
2. Đau răng: Sắc quả ké lấy nước ngậm súc miệng.
3. Cai thuốc lá, chữa mập phì: Ăn cháo hoặc nước trà thương nhĩ tử.
4. Côn trùng, loài độc cắn: (rắn, rết, chó…) một nắm lá non đâm nhỏ vắt lấy nước thêm ít rượu để uống bã đắp vết thương.
5. Sốt rét cơn: Dùng cao ké, viên ké đầu ngựa.
Theo Sức khỏe và Đời sống