06-05-2020 15:47
Bài báo tổng hợp gần đây trên tạp chí Science cho thấy virus gây viêm phổi nCoV có vẻ có khả năng tham gia trên rất nhiều mặt trận trên cơ thể con người mà họ dùng từ là "từ đầu tới chân"
Cho đến nay, mặc dù các nghiên cứu khoa học và các báo cáo lâm sàng về bệnh Covid-19 liên tục được đăng tải trên các tạp chí chuyên ngành nhưng hiểu biết của con người về bệnh này vẫn còn rất hạn chế, cả về cơ chế gây bệnh, hướng điều trị viêm phổi cũng như vaccine phòng ngừa.
Virus nCoV tuy rất nhỏ bé nhưng tác hại khôn lường ở nhiều trường hợp người bệnh trở nặng. Bài báo tổng hợp gần đây trên tạp chí Science cho thấy nCoV có vẻ có khả năng tham gia trên rất nhiều mặt trận trên cơ thể con người mà họ dùng từ là "từ đầu tới chân" (from brain to toes)…
Mặt trận chính - Hệ hô hấp
Hầu hết người nhiễm virus nCoV (SARS-CoV-2) được cho là từ đường hô hấp. Virus này xâm nhập vào mũi và cổ họng vì các tế bào ở nơi đây có nhiều thụ thể trên bề mặt tế bào có tên gọi là ACE2 (angiotensin-converting enzyme 2, enzyme chuyển đổi angiotensin 2).
Virus nCoV sử dụng protein bề mặt của nó để gắn kết với những thụ thể ACE2 này như cách mà chìa khóa tra vào ổ khóa để mở cửa vào nhà, xâm nhập vào bên trong tế bào vật chủ. Khi vào bên trong, virus chiếm quyền điều khiển của tế bào, sử dụng các vật liệu sẳn có trong tế bào để tạo ra vô số các bản sao của chính nó và xâm chiếm các tế bào mới.
Trong tuần đầu tiên sau khi nhiễm, virus thường nhân bản lên rất nhiều và người bệnh có thể tiết ra vô số các bản sao của nó từ các dịch của đường hô hấp, như các hạt nước bắn ra từ việc ho, hắt xì hoặc thậm chí thở, nói chuyện bình thường (đây là lý do mà chúng ta phải sử dụng khẩu trang trong mùa dịch này để bảo vệ người khác và chính mình).
Các triệu chứng có thể có trong thời điểm này là sốt, ho khan, đau họng, mất mùi và vị, hoặc đau đầu và đau cơ. Tuy nhiên có nhiều trường hợp cũng cho thấy người bệnh không có triệu chứng biểu hiện!
Trong tuần đầu tiên sau khi nhiễm, virus thường nhân bản lên rất nhiều và người bệnh có thể tiết ra vô số các bản sao của nó từ các dịch của đường hô hấp, như các hạt nước bắn ra từ việc ho, hắt xì hoặc thậm chí thở, nói chuyện bình thường.
Nếu hệ thống miễn dịch không đánh bại được nCoV trong giai đoạn ban đầu này, thì virus sẽ di chuyển xuống khí quản, nơi có các nhánh mỏng hơn, sâu hơn của hệ hô hấp là phổi, kết thúc là các túi khí nhỏ gọi là phế nang, mỗi nhánh được lót bởi một lớp tế bào cũng rất giàu thụ thể ACE2. Trong giai đoạn này virus có thể gây các thiệt hại nghiêm trọng hơn, thậm chí có thể dẫn đến chết người.
Với chức năng thông thường của phổi, oxy đi qua phế nang vào các mao mạch, sau đó oxy được đưa đến phần còn lại của cơ thể. Nhưng khi hệ thống miễn dịch chiến đấu với virus nCoV, chính trận chiến này đã làm hư hại hệ thống vận chuyển oxy này.
Các tế bào bạch cầu tiền tuyến nhận biết sự hiện diện của kẻ xâm lược đã giải phóng các phân tử gọi là chemokine, để triệu tập thêm các tế bào miễn dịch khác hỗ trợ tiêu diệt các tế bào bị nhiễm virus.
Cuộc chiến của các tế bào miễn dịch tiết ra rất nhiều phân tử cytokine gây viêm (hay còn gọi là cơn bão cytokine) để lại một vô vàng các chất lỏng và tế bào chết, thứ dịch mà chúng ta hay gọi thông thường là "mủ".
Sự tích tụ mủ trong phổi gây nên bệnh lý cơ bản của viêm phổi, với các triệu chứng tương ứng như ho, sốt, thở gấp, thở cạn. Do vậy, việc cung cấp oxy trong những trường hợp chuyển biến xấu như vậy là rất quan trọng và cho thấy nhiều bệnh nhân khỏi bệnh chỉ nhờ vào sự trợ thở (chứ không phải thuốc).
Mặt trận ở tim
Làm thế nào virus tấn công tim và mạch máu vẫn còn là một điều chưa được hiểu rõ nhưng ngày càng nhiều bằng chứng từ các báo cáo khoa học gần đây cho thấy đây là một hiện tượng khá phổ biến. Một bài báo đăng vào tháng 3 trên "JAMA Cardiology" đã ghi nhận tổn thương tim ở gần 20% bệnh nhân trong số 416 bệnh nhân nhập viện vì COVID-19 tại Vũ Hán, Trung Quốc.
Trong một nghiên cứu khác ở Vũ Hán, 44% trong số 36 bệnh nhân nhập viện phải điều trị ở phòng hồi sức đặc biệt (ICU) bị rối loạn nhịp tim. Những hiện tượng ảnh hưởng đến tim do Covid-19 dường như nguyên nhân đến từ máu.
Theo một bài báo khoa học đăng vào tháng 4 trên tạp chí chuyên ngành "Thrombosis Research", trong số 184 bệnh nhân COVID-19 phải điều trị trong phòng hồi sức đặc biệt ở Hà Lan, 38% có máu đông bất thường và gần một phần ba đã có cục máu đông.
Các cục máu đông có thể vỡ ra và rơi vào phổi, ngăn chặn các động mạch quan trọng gây tắc phổi (pulmonary embolism). Các cục máu đông từ động mạch cũng có thể làm tắc các mạch máu trong não, gây ra đột quỵ.
Các nhà khoa học đang nghiên cứu để hiểu chính xác những gì gây ra tổn thương tim mạch do Covid-19. Có thể nào virus có thể tấn công trực tiếp vào niêm mạc của tim và mạch máu, giống như cách chúng tấn công mũi và phế nang (nơi rất giàu thụ thể ACE2)? hoặc có lẽ do thiếu oxy, sự hỗn loạn trong phổi, làm ảnh hưởng gián tiếp đến các tổn thương mạch máu?
Hiểu rõ được những điều này có lẽ sẽ giúp giải thích lý do tại sao bệnh nhân có sẵn bệnh về mạch máu như: bệnh tiểu đường và huyết áp cao sẽ có nguy cơ đối mặt với nguy cơ bệnh Covid-19 trở nên nghiêm trọng cao hơn.
Dữ liệu gần đây của Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) về bệnh nhân nhập viện ở 14 tiểu bang cho thấy khoảng một phần ba bị bệnh phổi mãn tính nhưng cũng gần bằng con số này là người mắc bệnh tiểu đường và một nửa là bị huyết áp cao.
Mặt trận ở thận
Trong cuộc chiến trong đại dịch Covid-19 thì ngoài máy hỗ trợ thở thì máy chạy thận cũng khá quan trọng vì thận cũng là nơi các tế bào thể hiện dồi dào các thụ thể ACE2, trở thành một mục tiêu khác của virus. Trong một nghiên cứu sử dụng kính hiển vi điện tử đã cho thấy sự hiện diện của virus trong các tế bào ở thận từ các bệnh nhân đã tử vong vì bệnh Covid-19.
Theo một báo cáo khoa học, 27% trong số 85 bệnh nhân nhập viện ở Vũ Hán bị suy thận. Một báo cáo khác cho biết 59% trong số gần 200 bệnh nhân COVID-19 nhập viện ở Trung Quốc, các tỉnh Hồ Bắc và Tứ Xuyên có protein và 44% có máu trong nước tiểu, cả hai đều là dấu hiệu tổn thương thận. Bệnh nhân Covid-19 có tổn thương thận cấp tính sẽ có xác xuất chết cao hơn gấp 5 lần so với bệnh nhân khác.
Bức tranh lớn về sự tàn phá mà COVID-19 gây ra trên cơ thể con người hiện nay vẫn chỉ là một bản phác thảo với nhiều điểm mờ. Sẽ mất nhiều năm nghiên cứu miệt mài để hiểu rõ về nó, từ đó có thể vẽ một bức tranh sắc nét và chân thật hơn.
Mặt trận ở não
Các thụ thể ACE2 hiện diện trong vỏ thần kinh và thân não (cortex and brain stem) nhưng vẫn chưa rõ trong trường hợp nào virus xâm nhập vào não và tương tác với các thụ thể này. Trong đại dịch do virus SARS năm 2003 cho thấy virus có thể xâm nhập vào tế bào thần kinh và đôi khi gây ra viêm não.
Vào tháng 4, một nghiên cứu đăng trên tạp chí chuyên ngành "International Journal of Infectious Diseases", từ một nhóm nghiên cứu ở Nhật Bản, đã cho thấy dấu vết của nCoV trong dịch não tủy của một bệnh nhân Covid-19 gây viêm màng não và viêm não, cũng cho thấy nó có thể xâm nhập hệ thống thần kinh trung ương.
Tuy nhiên những yếu tố khác cũng có thể gây tổn hại cho não như "cơn bão cytokine"có thể gây sưng não, và hiện tượng máu đông như nói phía trên có thể gây ra đột quỵ.
Mặt trận ở ruột
Một bài báo khoa học đăng trên tạp chí "The American Journal of Gastroenterology" tường thuật lại một ca bệnh hồi đầu tháng 3, một phụ nữ 71 tuổi ở Michigan đã trở về từ một chuyến du thuyền trên sông Nile với triệu chứng tiêu chảy ra máu, nôn mửa và đau bụng. Ban đầu các bác sĩ nghi ngờ bà ta bị một bệnh đường ruột phổ biến, chẳng hạn như do Salmonella.
Nhưng sau khi thấy bà bị ho, các bác sĩ đã lấy mẫu ở mũi bằng tăm bông và cho thấy dương tính với nCoV. Mẫu phân cũng dương tính với RNA virus, các dấu hiệu tổn thương đại tràng cũng được nhìn thấy qua nội soi. Ca này được chẩn đoán là nhiễm trùng đường tiêu hóa do coronavirus.
Cho đến nay, RNA virus được tìm thấy ở khoảng 53% mẫu phân của bệnh nhân Covid-19. Sự hiện diện của virus trong đường tiêu hóa làm tăng lo ngại rằng nó có thể truyền qua phân.
Nhưng hiện nay vẫn chưa rõ liệu phân có chứa virus nguyên vẹn có khả năng truyền nhiễm hay chỉ có RNA và protein của virus và chưa có bằng chứng nào cho thấy việc truyền nhiễm virus qua đường phân là quan trọng.
Những mặt trận khác
Ngoài ra, có tới một phần ba số bệnh nhân nhập viện bị viêm kết mạc mắt, chảy nước mắt mặc dù cho đến nay không rõ rằng virus có thể xâm nhập nhiễm trực tiếp vào mắt hay không.
Các báo cáo khác cho thấy tổn thương gan: hơn một nửa số bệnh nhân Covid-19 nhập viện ở hai trung tâm ở Trung Quốc có nồng độ men gan tăng cao cho thấy tổn thương ở gan hoặc ống mật.
Nhưng theo một số chuyên gia cho rằng sự tổn thương do gan có thể là do sử dụng thuốc trong quá trình điều trị hoặc hệ thống miễn dịch phản ứng quá mạnh.
Tóm lại, bức tranh lớn về sự tàn phá mà COVID-19 gây ra trên cơ thể con người hiện nay vẫn chỉ là một bản phác thảo với nhiều điểm mờ. Sẽ mất nhiều năm nghiên cứu miệt mài để hiểu rõ về nó, từ đó có thể vẽ một bức tranh sắc nét và chân thật hơn.
Theo Theo TS. Nguyễn Hồng Vũ, Viện Nghiên cứu ung thư, City of Hope, California, USA, Cố vấn khoa học Ruy Băng Tím)
CÁC BÀI MỚI HƠN
CÁC BÀI CŨ HƠN